8 mẹo vệ sinh cần thiết ở trẻ sơ sinh

Published On: August 23, 2021Categories: Các vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh

Cũng giống như người lớn, vệ sinh là điều cần thiết đối với trẻ sơ sinh. Vệ sinh đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và là một phần thói quen hằng ngày của trẻ. Mọi bộ phận trên cơ thể trẻ đều cần được chăm sóc và làm sạch cẩn thận, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vệ sinh cho trẻ sơ sinh vốn là một thách thức đối với những người lần đầu làm cha mẹ. Do những đặc trưng sinh lý riêng mà trẻ sơ sinh cần được chăm sóc khác với trẻ ở các độ tuổi khác. Hiểu được điều đó, trong bài viết này, chúng tôi cung cấp những thông tin cần thiết về vệ sinh ở trẻ sơ sinh cho các những người lần đầu làm cha mẹ.

1. Tắm cho trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, bạn nên vốc nước lên người bé một cách từ từ, tránh vùng rốn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hay cơ sở y tế.

Sau khi rốn rụng, bạn có thể tắm cho trẻ vài lần mỗi tuần hoặc có thể tắm thường xuyên hơn nếu trẻ có vẻ thích điều đó. Không có khuyến cáo nào về tần suất tắm cho trẻ, nhưng trẻ cần được tắm thường xuyên. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải tắm cho trẻ mỗi ngày vì trẻ đã được vệ sinh vào mỗi lần thay tã.

Điều quan trọng là bạn cần chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết để tắm cho trẻ sơ sinh và đảm bảo không để trẻ một mình trong bồn tắm:

  • Xà phòng: không thực sự cần thiết mặc dù bạn nên sử dụng cho vùng mông để tăng mức độ sạch, tốt nhất bạn nên sử dụng xà phòng dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc gel không chứa xà phòng để dịu nhẹ cho làn da nhạy cảm của trẻ.
  • Nước: bạn có thể sử dụng những vùng da mỏng như khuỷu tay, mu bàn tay hoặc nhiệt kế để thử nhiệt độ của nước trước khi tắm cho trẻ. Và lưu ý, mực nước nên vào khoảng 15 – 20 cm, không nên đổ nước quá đầy trong bồn tắm.
  • Căn phòng: nơi tắm bé nên ở nhiệt độ khoảng 22 – 24 oC để tránh trẻ không bị lạnh khi ra khỏi nước. Bạn cần lau người cho bé bằng khăn ấm một cách nhẹ nhàng.

2. Chăm sóc tóc và tai trẻ sơ sinh

Tai trẻ sơ sinh tiết ra chất sáp để bảo vệ khỏi những yếu tố gây hại. Vì vậy, bạn không nên cố gắng làm sạch. Bạn có thể dùng khăn ẩm để lau nhẹ nhàng vùng tai bên ngoài và lưu ý không sử dụng tăm bông.

Đối với tóc của trẻ, bạn có thể vệ sinh mỗi ngày bằng nước, xà phòng. Sau đó, bạn cần lau thật khô để trẻ không bị lạnh. Bạn có thể chải tóc trẻ bằng bàn chải lông mềm.

3. Chăm sóc răng miệng cho trẻ

Theo health.ny.gov: “Điều quan trọng là phải chăm sóc răng và sức khỏe răng miệng cho con bạn từ khi mới sinh.”

Mặc dù hầu hết trẻ sơ sinh không mọc răng cho đến 6 tháng tuổi, việc vệ sinh răng miệng ngay từ đầu vẫn rất quan trọng. Bạn nên tập thói quen vệ sinh nướu cho trẻ ngay từ khi mới sinh.

Có thể ban đầu trẻ sẽ hơi khó chịu, nhưng trẻ sẽ quen với việc vệ sinh răng miệng giống như vệ sinh các bộ phận khác trên cơ thể. Thậm chí có những trẻ thích việc đánh răng hằng ngày khi lớn lên.

Việc vệ sinh răng miệng từ khi còn nhỏ là biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ trẻ khỏi sâu răng, ngay cả đối với những lỗ sâu răng nhỏ khó nhận biết.

Dưới đây là một số mẹo nhỏ từ health.ny.gov giúp bạn vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh:

Làm sạch nướu cho trẻ sau khi bú:

  • Giữ em bé của bạn bằng một tay
  • Quấn khăn ẩm quanh ngón tay trỏ của bàn tay còn lại
  • Nhẹ nhàng xoa lên các mô nướu của trẻ

Không để trẻ bú sữa bình khi đang ngủ hoặc ngậm bình sữa và bú một cách tùy ý.

4. Chăm sóc rốn:

Vệ sinh rốn nên được thực hiện hằng ngày ngay từ ngày đầu tiên sau sinh và theo sự hướng dẫn của cơ sở y tế. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Luôn rửa tay sạch sẽ trước và sau khi vệ sinh rốn
  • Vệ sinh rốn bằng tăm bông nhúng cồn
  • Giữ rốn trẻ luôn sạch sẽ và khô ráo
  • Gấp phần trước của tã xuống để rốn tiếp xúc với không khí
  • Thường xuyên thay tã để tránh làm ướt rốn khi trẻ đi tiểu

5. Chăm sóc móng tay cho trẻ

Ở trẻ sơ sinh, phần đầu móng tay thường dính liền với da ngón tay, làm cho bạn khó để cắt móng cho trẻ mà không làm tổn thương vùng da xung quanh.

Thời điểm thích hợp bạn có thể cắt móng tay cho trẻ là từ ngày 15 – 20 sau khi sinh. Bạn nên cắt các cạnh sắc của móng. Trong trường hợp bạn thấy lo lắng sẽ cắt vào phần da của bé, bạn có thể sử dụng giũa để giũa móng tay và đợi đến khi móng mọc dài hơn.

6. Chăm sóc da cho bé:

Trong bụng mẹ, da trẻ được bao bọc bởi nước ối nên sau khi sinh, da trẻ tiếp xúc với không khí sẽ dễ bị khô trong những ngày đầu. Tuy nhiên, da trẻ sẽ trở nên mềm mại và mịn màng hơn sau một tuần. Vì vậy, bạn không cần thiết phải sử dụng thêm các loại kem hay sữa tắm cho trẻ. Trong trường hợp da trẻ quá khô, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ và ít gây kích ứng (không chứa paraben, nước hoa) dành cho trẻ sơ sinh. Bạn cần lưu ý tránh để kem dưỡng da dính vào tay trẻ.

7. Nước hoa ở trẻ sơ sinh:

Ở trẻ sơ sinh, cùng với xúc giác, khứu giác là một trong những cơ quan phát triển nhất. Em bé đã quen với mùi hương của mẹ từ khi ở trong bụng. Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng cho trẻ và mẹ các loại nước hoa có mùi mạnh có thể làm trẻ khó nhận ra mẹ qua khứu giác, tránh cản trở mối quan hệ mẹ con.

8. Thay tã cho trẻ sơ sinh:

Một trẻ sơ sinh trung bình tiểu ướt 6 – 8 tã mỗi ngày và đi tiêu sau mỗi lần bú. Vì vậy, bạn cần thay tã thường xuyên cho trẻ để hạn chế thời gian da trẻ tiếp xúc với phân và nước tiểu. Tuy nhiên, vùng da quấn tã không cần sự chăm sóc đặc biệt hơn so với các vùng da khác.

Trong trường hợp da bị đỏ và kích ứng, bạn có thể sử dụng kem hăm tã.

Để vệ sinh khi thay tã cho trẻ, bạn có thể sử dụng nước và miếng bọt biển (có thể chứa xà phòng dịu nhẹ) hoặc khăn ướt (lưu ý độ pH và các thành phần có thể gây kích ứng da). Đối với bé gái, bạn nên lau từ trước ra sau (lau về phía hậu môn) để tránh phân tiếp xúc với bộ phận sinh dục của trẻ. Sau đó lau khô da và các nếp gấp trước khi mặc tã.

Trong quá trình thay tã, bạn nên để các đồ dùng cần thiết trong tầm tay và luôn quan sát trẻ để tránh trẻ bị ngã.

Cuối cùng, những thông tin trên không nhằm mục đích thay thế cho những lời khuyên chuyên môn. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước mọi vấn đề bạn thắc mắc về việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ sơ sinh.

Leave A Comment