Đâu phải chỉ có TIN BUỒN, ở đây có 1 chiếc TIN VUI

Published On: August 26, 2021Categories: Covid19

Đâu phải chỉ có TIN BUỒN, ở đây có 1 chiếc TIN VUI

Ở bệnh viện dã chiến, chúng tôi có một chức danh gọi là “TRƯỞNG PHÒNG” – đây là những F0 tình nguyện làm công tác theo dõi Sp02, suất cơm, liên hệ bác sỹ, phân công vệ sinh trong phòng bệnh. Mỗi một phòng bệnh đều có 1 trưởng phòng.

Chúng tôi vẫn hay nói vui là “Ở ngoài kia hổng biết chừng nào mới lên được trưởng phòng, chứ trong này là lên thẳng luôn, cứ xung phong là được!”

Nhóm chúng tôi phụ trách 20 phòng bệnh (1,5 tầng của toà nhà), sau nhiều đợt xuất – nhập viện, số lượng trưởng phòng phải lên tới con số gần 80 F0.

Họ là những người bệnh trên lý thuyết, nhưng họ đều không bệnh – chẳng lý do gì để một người khoẻ mạnh lại nằm kềnh suốt ngày cầu may đếm ngày hết cách ly. Họ cũng muốn được giao việc, được cống hiến, được đồng hành.

Ngày tôi dương tính, ban đầu định sẽ hoà nhập cộng đồng F0. Anh em chọc ghẹo “Kì này bà bác sỹ lên thẳng làm TRƯỞNG TẦNG chứ chẳng chơi!”, nhưng chắc vì sợ bà bác sĩ “nhiệt tình” quá nên anh em quyết định “biệt giam” với lời nhắn nhủ “chừng nào có ca cần đặt nội khí quản sẽ gọi bà bác sỹ ra nha!” (vì việc đặt nội khí quản là nguy cơ lây nhiễm cao nhất, bà ấy bị dương tính rồi thì còn sợ lây gì nữa.)

Các bạn trưởng phòng thật sự rất đáng quý, các bạn giúp chúng tôi rất nhiều công tác. Nhờ các bạn mà việc theo dõi, điều trị của chúng tôi cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Sự hợp tác tuyệt đối chính là mối gỡ cho mọi điều khốn khó, giữa thầy thuốc và người bệnh.

Tôi vẫn nhớ đêm đó đã khuya lắm rồi, tôi nhờ em – trưởng phòng 3.32 nhận thuốc giúp ở tầng dưới tôi gửi đường thang máy lên, giao và dặn dò cho người bệnh đang cần dùng. Em giúp đỡ ngay lập tức. Nhờ bao phen như vậy mà chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều đồ bảo hộ, trong những trường hợp không quá cấp bách vào lúc nửa đêm, các trưởng phòng như em ấy thực sự là cánh tay đắc lực của chúng tôi.

Tôi vẫn nhớ trưởng phòng 11.21 được tôi nhờ vả trông cháu bé nhỏ trong khi chờ mẹ từ Bình Dương đến đón, và bà ngoại trở nặng chuyển viện đi gấp. Em không ngại ngần trông hộ ngay, và tiễn em bé tới tận tay mẹ an toàn.

Ở đây một phòng bệnh gồm tập hợp những con người xa lạ, nhưng qua 1 tuần, rồi 2 tuần, thì họ nghiễm nhiên trở thành gia đình nhỏ. Mọi người cưu mang nhau và giúp nhau vượt qua mọi sự éo le của trần gian (chứ không phải chỉ có con vi rút)

Bao cuộc đau tiễn đưa đã diễn ra ở trên chiếc ghế bố trong phòng bệnh.

Bao cuộc chống đối đã ập đến trong cơn giận dữ của những người “mãi chưa âm tính”

Bao cơn sốt, tiếng ho, tiếng rên rỉ rền vang…

nhưng mọi thứ đã qua đi,

các bệnh nhân của tôi được xuất viện,

mọi người ra về trong tâm thế của người chiến thắng

Chúng ta chưa toàn thắng, nhưng mỗi chiến thắng nhỏ nhoi đó cũng đủ tạo động lực cho chúng tôi mỗi ngày.

Các F0 của tôi trở về, cách ly 14 ngày và khi họ hoàn toàn âm tính, hoà nhập lại được với cộng đồng, họ nhắn gửi cho tôi bao lời động viên, và xin được góp sức vào cuộc chiến.

Hôm nay em trưởng phòng 3.32 dạo ấy nhắn cho tôi chiếc tin vui vỡ như vỡ trận “Em đang phụ trách dọn vệ sinh bên Bệnh viện số 2 nè” “Mốt chắc em lên quản lí tổ vệ sinh luôn”.

Tôi dễ vui lắm. vậy là tôi vui đó.

Rồi còn bao nhiêu F0 hết hệnh khác nhắn hỏi bác ơi có cần em hỗ trợ gì, bác cứ bảo em nha, em lên đường ngay luôn.

Mọi người ai cũng trong tư thế sẵn sàng “Đâu cần chúng tôi có!”

Đây là câu nói có tính chất cổ động nhất bài viết, nhưng đó là sự thật.

Nếu bạn hỏi tôi “Dương tính rồi có thấy sức khoẻ, tinh thần đi xuống không?” – Tôi xin được khẳng khái “Từ ngày dương tính đến nay tôi vẫn chưa một ngày nào ngừng công việc giúp đỡ bệnh nhân của mình lại, và các bệnh nhân đã xuất viện của tôi cũng thế!”

Mong tinh thần sẽ không quá thụt lùi trong những ngày tĩnh lặng nhất của Sài Gòn.

Những chuyến xe cấp cứu bệnh nhân vẫn chạy ngày đêm, các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên vẫn ngày đêm làm việc, và cả các F0 đáng trân quý – mọi người vẫn đấu tranh sinh tồn rất quyết liệt.

Chào thân ái và quyết thắng.

Leave A Comment