Chuyện ngủ trưa

Published On: April 27, 2022Categories: Mẹo chăm bé

Giấc ngủ trưa dù ngắn nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Đã bao giờ mọi người cảm thấy mất hết năng lượng, cơ thể mệt mỏi, tay chân rã rời vì trưa không ngủ không? Con trẻ cũng như vậy đó! Nếu như giấc ngủ đêm là chuyện không thể thiếu thì giấc ngủ ban trưa lại là điều kiện cần để đảm bảo sức khỏe. Ngủ trưa chỉ khoảng 1-2 tiếng nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tất cả 24 tiếng trong một ngày của trẻ. Trước hết, ngủ trưa có thể cải thiện tâm trạng của trẻ và giảm quấy khóc, mè nheo và cáu kỉnh. Cùng bác sỹ Linh bỏ túi 5 bí kíp “dỗ” trẻ ngủ trưa Ba Mẹ nhé!

🌤️ Thời gian biểu ngủ đã không còn phù hợp
Cách giải quyết: Hãy xem xét lại bất kì thay đổi nào hay mốc phát triển nào của trẻ. Liệu có phải con vừa học bò, hay bắt đầu ăn dặm hay bắt đầu đi học? Bất kì thay đổi nào cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen ngủ của trẻ. Hãy thử quan sát xem liệu con có dấu hiệu mệt mỏi nào giữa những giấc ngủ trưa không và điều chỉnh thời gian biểu để phù hợp với nhu cầu của con.

🌤️Giờ ngủ trưa không hợp với đồng hồ sinh học của trẻ
Cách giải quyết: Giờ ngủ trưa, giờ ngủ ban đêm, giờ ăn, tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối và hoạt động, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của con bạn. Xem xét thời gian biểu hàng ngày của con để đảm bảo rằng những yếu tố này đều xảy ra vào những thời điểm thích hợp trong ngày. Thứ tự không hợp lý (ví dụ như hoạt động thể chất và tiếp xúc với ánh sáng mạnh trước giờ ngủ) có thể ảnh hưởng nhịp độ của trẻ.

🌤️Giờ ngủ không cố định
Cách giải quyết: Nếu ngày nào giờ ngủ cũng đều như vắt chanh nhưng cuối tuần lại không thực hiện hay vào giờ khác thì trẻ mãi sẽ không vào nếp được. Tương tự, cũng sẽ rất khó nếu như giờ ngủ trưa ở trường một kiểu và ở nhà lại một kiểu khác. Vì vậy, điều cần làm là phải đặt ra một giờ ngủ thật cố định và thực hiện đúng mỗi ngày.

🌤️ Những lúc ngủ gật khác trong ngày
Cách giải quyết: Thỉnh thoảng trong ngày trẻ sẽ chợp mắt hay ngủ gật trong vài phút, ví dụ như khi cảm thấy mệt hay môi trường kích thích giấc ngủ và điều này có thể giảm cảm giác buồn ngủ khi đến giờ ngủ trưa. Những lúc ngủ gật như thế này không mang lại những lợi ích như một giấc ngủ trưa thực sự nhưng chúng đủ để tiếp thêm cho trẻ năng lượng và vì thế khiến trẻ không buồn ngủ khi đến giờ ngủ nữa. Để ngăn tình trạng này xảy ra, tránh đặt trẻ trong môi trường kích thích buồn ngủ như đặt trẻ nằm trong nôi, trong võng,… nếu như không phải là giờ ngủ.

🌤️ Một số vấn đề sức khỏe
Cách giải quyết: Có một số vấn đề sức khỏe có thể khiến trẻ khó ngủ như dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng tai, đau bụng, trào ngược,…Trong trường hợp thế này thì bố mẹ lại nên thật linh hoạt và cởi mở để tìm ra bất kì giải pháp nào giúp con có thể ngủ được. Hãy gạt qua một bên ý tưởng rằng con nhất định phải ngủ theo cách này hay ở nơi như thế nào, mà hiểu rằng giấc ngủ dù có như thế nào thì cũng còn hơn là không ngủ. Đồng thời, hãy tìm đến sự trợ giúp của các bác sỹ về vấn đề của con và tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Có mẹ có thêm bí kíp nào nữa không thì bổ sung cùng bác sỹ Linh nhé. Vì một thế giới không bị mệt buổi trưa!

#bsphuonglinh

Leave A Comment