Trẻ hiếu động, nghịch ngợm, ba mẹ phải chú ý những gì?

Bác sỹ ơi, con tôi hiếu động quá!
Trong khi nhiều phụ huynh lo lắng trước việc con của mình thụ động ít giao tiếp, chỉ ngồi một chỗ để xem TV, điện thoại thì một số Ba Mẹ khác lại ‘khốn khổ’ vì các bé nhà mình quá lăng xăng hiếu động, không thể ngồi yên một chỗ. Có những đứa trẻ chỉ yên cửa yên nhà khi “ngủ” còn lại thì chỉ cần bé thức giấc là cả nhà đều quáng quàng theo mọi hoạt động của con. Ngày trước khi chưa có con mình từng nghĩ đến những buổi hẹn hò cà phê 3 người, Ba Mẹ ngồi thư thả uống nước bên một em bé đáng yêu đang ăn sữa chua. Nhưng sự thực thì? Một khi đưa một em bé trên 1 tuổi ra ngoài cũng là lúc Ba Mẹ luôn tay luôn chân vì con hết nghịch cái này lại đòi chơi cái nọ. Rất nhiều buổi đi chơi, đi ăn uống với gia đình bạn bè của mình đều thành “thảm họa” theo cách như thế.
❌Tại sao trẻ hiếu động?
Dù mệt bở hơi tai khi con hiếu động nhưng thực tế thì hiếu động, thích tìm tòi cái này này kia là một minh chứng rằng con – đang – khỏe. Ông bà ta có câu: “Trẻ khỏe là trẻ biết chơi, trẻ nằm bời bời cha mẹ lắng lo”. Vậy nên, Ba Mẹ yên tâm vì:
• Trẻ lành mạnh thường hiếu động ở bất kỳ lứa tuổi nào vì trẻ có nhiều năng lượng.
• Trẻ thường không thể tập trung như người lớn mà chỉ có thể ngồi yên trong vòng 5-15 phút đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
• Nếu sự hiếu động ảnh hưởng đến việc học tập hay mối quan hệ với người khác thì mới đáng lo.
Ngoại trừ những dấu hiệu cho thấy con đang mắc bệnh lý thì việc có một đứa con thích bay nhảy, học hỏi, quậy phá một chút âu cũng là một sự “đáng mừng”.
❌Mối nguy khi trẻ hiếu động
Cuộc sống hiện đại bận rộn nên Ba Mẹ ít có thời gian để gần gũi con nên ngoài những bé được gửi trẻ sớm thì hầu hết thời gian con ở với ông bà. Tuy nhiên, Ba Mẹ cần chú ý khi để một đứa trẻ quá nhiều năng lượng ở với người cao tuổi vì ông bà không thể “lường” hết những gì mà khối cầu năng lượng ấy có thể làm đâu nhé. Thời gian vừa qua đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm ở chung cư mà phần lớn là vì trẻ nghịch ngợm hiếu động nhưng không có sự giám sát kịp thời.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ bạn cần làm khung, rào chắn cho tất cả cửa sổ và ban công. Không để các vật dụng có thể dùng để đứng lên cửa sổ, ban công để tránh tình trạng bé leo trèo gây nguy hiểm. Không bế trẻ lại gần và luôn đóng cửa sổ, cửa ra ban công khi trẻ đang chơi gần đó và không có sự giám sát của người lớn.
Các thiết bị điện là mối nguy hại nghiêm trọng đến sự an toàn cho trẻ sau ban công và cửa sổ. Bạn nên sử dụng băng keo hoặc miếng nhựa để bịt các ổ cắm điện trong tầm tay bé có thể với tới được. Không để thanh sắt, vật dụng kim loại nhỏ gần ổ cắm điện tránh trường hợp bé chọc vào ổ điện. Nhớ tắt điện khi không sử dụng để tiết kiệm điện, mà còn bảo vệ tính mạng của trẻ.
Bị kẹp tay vào cửa luôn là tai nạn đáng sợ vì sự đau đớn mà trẻ phải chịu đựng. Do vậy, để đảm an toàn cho trẻ bạn nên sử dụng chốt cài cửa. Nếu nhà bạn sử dụng cửa cuốn thì phải quan sát trong suốt quá trình cửa hoạt động. Dán băng dính vào các ngăn kéo để phòng việc bé tự ý đóng mở gây kẹt tay.
Và rất nhiều địa điểm thu hút trẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ như: nhà bếp, cầu thang, nơi để hóa chất….Ba Mẹ chú ý nhé!
❌Để cha mẹ không ‘rối’ như con…
Việc căng thẳng từ các hành vi ngoài kiểm soát của con gây nên có thể làm cho không khí gia đình căng thẳng. Phụ huynh dễ nổi nóng và dùng đòn roi, bạo lực khi giáo dục con với mong muốn trẻ sẽ giảm bớt các biểu hiện quậy phá, lăng xăng. Bạo lực có thể làm trẻ sợ hãi và giảm tức thời các hành vi tiêu cực nhưng không có ý nghĩa lâu dài.
Ngoài ra, việc dùng bạo lực còn có thể làm trẻ bị thương tích, ám ảnh. Trẻ sẽ học được từ người lớn cách giải quyết vấn đề bằng hình thức bạo lực và có thể ‘thực hành’ bạo lực với bạn bè. Bản thân mình cũng từng “tét” mông con vài lần khi bé quá nghịch nhưng rồi mình nhanh chóng hiểu ra hành động đó chẳng có ý nghĩa gì bởi nghịch là bản năng trong mỗi đứa trẻ, đó cũng là cách để con giao tiếp với thế giới. Với kinh nghiệm của mình thay vì chúng ta cố thay đổi con thì nên tạo điều kiện để con phát huy năng lượng của mình trong một môi trường có kiểm soát, con sẽ được thoải mái làm điều con thích nhưng sẽ phải biết giới hạn của mình là gì. Mặt khác, Ba Mẹ chúng ta cũng cần chú ý vào những điều kiện có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và nhận thức của trẻ khiến trẻ bị kích thích mà phụ huynh chúng ta thường hay gọi là “sao lì quá vậy con?”
• Đôi khi quá nhiều tiếng ồn hoặc nhiều sinh hoạt trong nhà làm cho trẻ khó thư giãn.
• Những xung đột trong gia đình có thể gây căng thẳng cho trẻ.
• Cha mẹ quá bận rộn , không có thời gian quan tâm và chơi với con nên trẻ dùng sự hiếu động để kéo sự chú ý của cha mẹ đối với trẻ.
• Hoặc trẻ được nuông chiều quá mức nên hiếu động khó rèn
• Trẻ có thể hiếu động nếu không được tập thể dục để tiêu hao bớt năng lượng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi cha mẹ hãy giúp trẻ đi bộ hoặc đạp xe hoặc chơi trên sân cát để giúp trẻ xả năng lượng. Con được “mệt” nên sẽ có giấc ngủ ngon đấy!
Admin Mẹ Cừu

Leave A Comment