Truyền thuyết mạng xã hội

Published On: September 19, 2022Categories: Làm mẹ khó lắm, phải đâu chuyện đùa

🍂Tôi stress vì “bị quan tâm nhiều quá”!

Trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ thì có một nguyên nhân mà rất ít ai để ý đó chính là ‘sự giúp đỡ không cần thiết từ những người xung quanh. Dấu hiệu của những sự giúp đỡ này đó là khi người mẹ không còn muốn trò chuyện với ai hoặc câu chuyện sẽ đi vào lối mòn “phải thế này hoặc thế kia”.

Những nhân vật muốn giúp đỡ thường là những người rất gần gũi với bà mẹ như mẹ chồng, các dì, các thím, hàng xóm gần nhà hoặc đôi khi chính là…mẹ đẻ.
Với tâm lý lo lắng cho em bé, họ “quên” mất rằng bà mẹ cần có một thời gian để đọc vị con mình. Ví dụ khi nghe con khóc bà mẹ cần một khoảng thời gian để thử nghiệm và hiểu rằng tiếng khóc ấy mang ý nghĩa là gì. Trong khi đó, sự giúp đỡ nồng nhiệt của những người xung quanh vô tình lấy mất đi cơ hội đọc hiểu ấy của mẹ. Đáp án luôn có sẵn:
– Cho bé bú đi
– Thay tã đi
– Bồng vác em lên

Bạn biết không? Một đứa trẻ lớp 1 cần phải mất một năm để nhận biết các mặt chữ. Một bác thợ nề cũng cần nhiều năm kinh nghiệm để đoán vị trí viên gạch đúng hay sai. Không một cô giáo nào đứng trên bục giảng chỉ 1 năm mà đã thành nghề. Bât kỳ ai cũng phải có thời gian để rèn luyện – riêng làm mẹ thì không. Vì chúng ta luôn mặc định rằng – mẹ thì phải biết.

Nhưng làm mẹ đâu phải là đúng hay sai vì kinh nghiệm của mỗi người là khác nhau, mỗi đứa trẻ lại khác nhau nên chắc chắn là không có đáp án nào hoàn toàn chuẩn xác.

Vì lẽ đó, nếu bạn đang mệt mỏi vì những lời khuyên hoặc đang không biết nghe lời ai mới phải thì câu trả lời đó là – hãy lắng nghe chính mình.

Hãy làm những gì bạn thấy mách bảo khi nghe tiếng khóc của con, hãy cho con ăn vào giờ giấc phù hợp với bạn và hãy nghỉ ngơi để con tự chơi lúc cần. Bạn thích nghi với con nhưng con cũng cần thích nghi với bạn. Và những người khác cũng nên hiểu ra giới hạn của mình.

Đừng lo lắng quá nhé!

Leave A Comment