Giấc mơ trưa, trốn ngủ hay lạc vào chốn thần tiên?
Kho tàng những điều mình học được trong tuổi thơ đều xuất phát từ những lần trốn…ngủ trưa.
Cho mãi đến những năm tháng sau này hình ảnh bầu trời cao xanh vun vút, những cơn gió mát mẻ thôi qua tán cây, không gian vắng lặng như tờ vẫn như một đoạn phim ngắn cứ được tua đi tua lại trong trí nghĩ. Buổi trưa – một nốt lặng giữa ngày dài với người lớn nhưng lại là một thế giới đầy sôi động với trẻ thơ. Khi không còn sự “can thiệp” của người lớn, thiên nhiên bỗng hiện ra một dáng vẻ hoàn toàn khác, hồn nhiên hơn, chân thật hơn. Không còn những khuôn phép, không còn sự ràng buộc đứa trẻ là mình khi ấy tha hồ tưởng tượng và hiện thực hóa sức tưởng tượng của bản thân mình.
Trong ký ức từ 20 năm về trước hiên nhà là hàng quán, những bông hoa dại là món ăn, lá chuối là tiền…mình cứ thế thêu dệt mọi thứ theo cách của mình. Có lúc mình là người bán cháo, có khi là một người bán kem hoặc cũng có lúc mình chẳng buôn bán gì cả mà chỉ ngồi im nhìn ngắm những đám mây đang lờ lững trôi trên bầu trời. Đám mây không bận tâm chuyện mình đi đâu về đâu, nó không phân biệt quốc gia này hay đất nước kia, nó cũng không bận tâm chuyện mình màu trắng hay màu xanh. Đám mây chỉ là chính bản thân mình – di chuyển. Một đứa trẻ và một đám mây thật giống nhau.
Người lớn thường hay la con nít khi chúng không chịu ngủ trưa vì chính người lớn đã quên mất cách thưởng thức một buổi trưa như thế nào. Họ chỉ xem buổi trưa như một phương tiện giữa ngày để tạm quên những mệt mỏi, những chặng giao tiếp đời thường.
Nhưng nếu đâu đó một lần cho bản thân cơ hội được “thức cùng buổi trưa” ta sẽ thấy hết cái tuyệt diệu của đời sống khi có một không gian trọn vẹn cho mình – ngay giữa một ngày rất bận.
Dù biết giấc ngủ trưa thật quan trọng với hành trình phát triển của con trẻ nhưng nếu con đang hào hứng muốn “trốn ngủ” thì người lớn chúng mình ngại gì mà không để con được một lần vô tư như đám mây?
Còn bạn, lần cuối cùng bạn “trốn” ngủ trưa là khi nào?
Admin Mẹ Cừu
Yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị tái bệnh?
Yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị tái bệnh? #bsphuonglinh [...]