Lại nói chuyện NGỦ NGHÊ của gia đình nhỏ có gì thú vị?

Published On: September 3, 2021Categories: Làm mẹ, Mẹo chăm bé

Chuyện ngủ không phải là chuyện của riêng con, hay của những người ở trong phòng ngủ.

Người ở ngoài phòng ngủ cũng liên quan luôn.

Nhiều lúc mình cũng không tưởng tượng nổi cho đến khi Mẹ các em kể lại.

“Con mà khóc ấy, nửa đêm Ông Bà lầu trên chạy xuống gõ cửa liền…..Sao thế con? Sao thế con?”

Có một nghiên cứu thú vị của Hiệp Hội Giấc Ngủ Hoa Kỳ báo cáo và kết luận như sau: (Mình sẽ dịch lại theo ngôn ngữ của mình, Ba Mẹ thông thái muốn đọc lại bản nguyên gốc thì đọc tại link sau nha: shorturl.at/mtBMW )

📈Theo nghiên cứu của chúng tôi, đối với vấn đề NGỦ CHUNG và NGỦ RIÊNG MỘT MÌNH, Ba và Mẹ có thái độ rất khác nhau. (Thái độ mà người nghiên cứu muốn nói đến là về việc chấp nhận hay không, vui hay không, tích cực hay tiêu cực…). Nghiên cứu này cho thấy VỊ TRÍ NGỦ của mỗi người không góp phần cho sự hiện diện của các triệu chứng trầm cảm, mà quan trọng là sự TRÉO NGHOE giữa mong đợi của Ba Mẹ và vấn đề ngủ nghê của con thật sự có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm hơn. Qua nghiên cứu này, tác giả nêu ra rằng các nhà nghiên cứu và bác sỹ lâm sàng nên xem xét những kỳ vọng của cả Ba và Mẹ về việc sắp xếp giấc ngủ của trẻ sơ sinh để có những hướng dẫn thích hợp.

Mình sẽ nói rõ hơn về sự TRÉO NGHOE này, mình cảm thấy không có mỹ từ nào phù hợp hơn để dịch chữ “mismatch” trong trường hợp trên.

Ba Mẹ đọc những quyển sách nổi tiếng, tham gia những khóa học cao cấp về LUYỆN NGỦ cho con, hoặc đã có kinh nghiệm từ những đứa con trước đó, hoặc có Ông Bà theo sát truyền thụ những bí kíp gia truyền siêu huyền bí ️ Ba Mẹ kỳ vọng rằng con yêu sẽ ngủ ngoan, ngoan như một con mèo con đã được bú no say, chép chép miệng, nhoẻn nhẹ một nụ cười, và xe mô – tô của Ba có nổ rân trời ngoài kia vẫn không thức giấc.

Sự thật là: 

“Em ơi, con khóc, mai anh còn đi làm!”

“Anh ơi, con ngọ nguậy kìa, anh dỗ con đi, em mệt lắm rồi!”

“Con ơi con làm ơn ngủ đi, van con….”

Đầu bù tóc rối.

Giày vò lẫn nhau.

Ngấu nghiến nỗi hoảng sợ “Con mình sao khác con người ta!”

Không khác đâu, Ba Mẹ ơi.

Đây là nỗi khổ chung ấy.

Bác sỹ Linh có thời gian đã vò đầu bứt tai vì ngày nào cũng nghe gần 90% các Ông Ba, Bà Mẹ đến than thở chuyện ngủ nghê.

Vì cảm thấy bất lực.

Trong tháng 7 năm ấy, tôi còn nhớ như in.

——

Trời mưa, người Mẹ trẻ trùm kín khăn, đội mưa đưa con đến gặp tôi.

Vừa mở hết lớp khăn bọng, khuôn mặt đứa trẻ vươn ra đỏ gay.

Trời mưa ngoài ô cửa kính, rào rào như cào xới mặt đất.

Ít nước còn vương trên chiếc khăn màu đỏ.

Chị vuốt mặt, cười khổ với tôi.

Chị bảo:

“Bác làm sao cho em bé ngủ với. Con không chịu ngủ.”

Cô bác sỹ trẻ nhìn sững sờ sinh linh màu đỏ trong chiếc khăn đỏ.

Da con mọng căng bóng nước li ti.

Loại bóng nước này, sư phụ tôi có dạy tôi rồi, đừng có nháo nhác mà bảo tụi nhỏ bị nhiễm trùng da này kia khủng khiếp quá.

Chỉ là MỒ HÔI mà thôi, bí bách quá, mồ hôi đọng lại trên những tế bào da mỏng manh, như những giọt sương đêm còn vấn vương chưa muốn bốc hơi khỏi chiếc lá mượt mà mùa xuân.

“Em sẽ lị dị bác sỹ ạ!”

Cô bác sỹ trẻ lại sững sờ nhìn Bà Mẹ vừa bỏ chiếc khăn quấn đầu, chị vuốt nhẹ lọn tóc phủ ngang trước khuôn mặt xanh xao, bọng mắt đen trĩu xuống. Chị buông câu nói nhẹ như mây.

Mà sao nghe nặng như mưa ngoài kia.

Tôi có chút bần thần.

Tôi nghe nỗi gì cay xè, đắng nghét.

Bác sỹ chữa bệnh sốt, ho, sổ mũi thì phải nói là “ăn cơm bữa”. (Tất nhiên cơm cũng có bữa cay, bữa mặn…)

Cứu chữa được những ca chuyên sâu hơn thì là “siêu anh hùng”. (Tất nhiên siêu anh hùng thầm lặng cũng là siêu anh hùng)

Nhưng bác sỹ bất lực trước nỗi bất lực của nhân sinh thì gọi là “tôi”.

“Tôi” nọ gần như muốn rơi nước mắt trước “khán giả” là bệnh nhi tôi.

“Tôi” nọ đã đi tìm, lục lọi, hỏi han khắp tinh cầu, đông tây kim cổ chỗ nào cũng chạm vô. Hòng tìm phương thuốc hữu hình cứu rỗi cái điều vô hình gọi tên là “hạnh phúc gia đình”.

Bác sỹ thì có liên quan gì “hạnh phúc gia đình” của nhân sinh?

(Mạn phép để ngỏ cho một bài viết khác)

Không dám rao bán như các hotmom, hot author về phương pháp luyện ngủ cho trẻ.

“Tôi” chỉ dám đưa ra những lời khuyên với mức độ chứng cứ trong y khoa còn ít ỏi (vì ít nhà khoa học dành tâm huyết vấn đề này để đào sâu nghiên cứu), nhưng chí ít đến giờ phút này, 3️0️➕➕ những Bà Mẹ áp dụng lời khuyên của một bác sỹ còn non tuổi nghề là “Tôi” đã kể lại rằng con yêu có những giấc HƠI tròn, Mẹ bớt khổ và cười khì.

Bác sỹ “Tôi” còn những mấy chục năm tuổi nghề về sau đó nữa, con số kia hà cớ gì lại giảm có phải không?

Con trẻ ấy.

Không nên là cái cớ cho những cuộc chia ly.

Nếu chưa sẵn sàng, xin đừng bắt con phải đến với cuộc nhân sinh này, Ba Mẹ nhé! Ba Mẹ hiện đại hoàn toàn có quyền chống lại thuyết âm mưu “trời sinh voi sinh cỏ”😊….

#bsphuonglinh #bsdnplinh  #bsnhi #momandbabiesstories 

P/s: Nếu bạn đọc đến đây, hãy comment một biểu cảm hoặc để lại một ý kiến đóng góp để BS “Tôi” sẽ gửi đến bạn đọc những bài viết chất lượng hơn. Cần tâm sự hãy inbox hoặc ngại để lại tên hãy “nhắn nhẹ” vào link sau: shorturl.at/BFOY6

Leave A Comment